30

Th 05

Hướng dẫn vận hành và sửa chữa máy biến áp CTBA

Hướng dẫn vận hành và sửa chữa máy biến áp CTBA

  • Mạnh Trường
  • 0 bình luận

Hướng dẫn vận hành và sửa chữa máy biến áp CTBA
Máy biến áp (MBA) vận hành theo “Quy trình vận hành và sửa chữa máy biến áp của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam)” (số 623ĐVN/KTNĐ). Ngoài ra chúng ta cần chú ý thêm:

1. HƯỚNG DẪN VẬN HÀNH MÁY BIẾN ÁP CTBA

MBA được đóng điện đưa vào vận hành, khi lắp ráp xong và hoàn chỉnh hệ thống điều khiển, đo lường, bảo vệ và có biên bản kiểm tra toàn bộ hệ thống đạt chất lượng theo tiêu chuẩn hiện hành.

Trường hợp đóng điện có vấn đề phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống. Sau khi khắc phục, xử lý các nguyên nhân mới quyết định đóng điện trở lại.

– Cho phép MBA được vận hành với điện áp cao hơn định mức:

+ Lâu dài 5% khi phụ tải không quá phụ tải định mức và 10% khi phụ tải không quá 0,25% phụ tải định mức.

+ Ngắn hạn 10% (dưới 6 giờ một ngày) với phụ tải không quá định mức.

– MBA chịu được quá tải theo quy định tại tiêu chuẩn IEC – 60354

Phụ tải của MBA có thể vượt quá giá trị danh định ghi trên nhãn máy nhưng không quá 1,5 lần so với dòng điện định mức. Thời gian chịu quá tải không quá 2 giây.

Trong trường hợp máy chịu ngắn mạch khẩn cấp, dòng điện ngắn mạch có thể lớn gấp 25 lần so với dòng điện định mức. Thời gian chịu ngắn mạch của máy không quá 2 giây (IEC – 60354). Khả năng chịu ngắn mạch (dòng điện ngắn mạch và thời gian chịu ngắn mạch) của MBA còn phụ thuộc vào điện áp ngắn mạch của máy và các thông số khi đặt hàng chế tạo MBA.

Để đảm bảo cho MBA vận hành an toàn và đánh được giá khả năng chịu ngắn mạch của máy, trong vận hành phải trang bị các thiết bị đo lường, bảo vệ và phải được chỉnh định đúng theo quy định của ngành, phải có các thiết bị ghi lại các thông số vận hành khi có hiện tượng bất thường hoặc xảy ra sự cố.

– MBA vận hành trong hệ thống 3 pha đối xứng. Điện áp đưa vào máy có dạng hình sin, tần số 50Hz.

– Nhiệt độ lớp dầu trên không quá 90oC.

– MBA phải được thường xuyên theo dõi kiểm tra trong quá trình vận hành. Phải ghi chép rõ ràng các số liệu: nhiệt độ, chế độ phụ tải, điện áp, các hiện tượng khác thường về tiếng ồn, màu sắc dầu, khí phát ra ở rơle ga…

– Công việc kiểm xem xét bên ngoài máy chủ yếu có:

Xem xét toàn máy: có chỗ nào bị rò rỉ dầu, các hiện tượng bất thường.

Quan sát mức dầu của máy trên bình dầu phụ.

Trị số các nhiệt kế, đồng hồ đo báo tín hiệu, hệ thống quạt mát.

Theo dõi tiếng kêu của máy có bình thường không.

– Xem xét kiểm tra (không cắt điện) phải thực hiện định kỳ mỗi ca một lần. Đồng thời phải kiểm tra ngay khi có thay đổi đột ngột: nhiệt độ, có sự tác động của các thiết bị bảo vệ.

– Việc thay thế bổ sung dầu phải là dầu cùng loại. Nếu dùng dầu khác loại thay thế, phải thực hiện việc xúc rửa máy bằng loại dầu mới sạch, kiểm tra kỹ về lý hóa, độ ổn định của dầu.

– Trong thời gian 6 tháng đầu vận hành, sau một tháng lấy mẫu dầu kiểm tra, sau đó 2 tháng lấy mẫu dầu kiểm tra và cứ định kỳ mỗi năm lấy mẫu kiểm tra một lần. Mẫu dầu lấy ở van lấy mẫu gần đáy máy.

– Kiểm tra hạt hấp thụ (hạt silicagen) ở bình hút ẩm qua lỗ quan sát, đây là việc làm thường xuyên, nếu hạt bị biến màu phải thay thế ngay.

2. HƯỚNG DẪN BẢO DƯỠNG SỬA CHỮA MÁY BIẾN ÁP CTBA

– Việc sửa chữa bảo dưỡng MBA do đơn vị vận hành thực hiện kết hợp với quá trình vận hành máy. Các hư hỏng đột xuất cần được sửa chữa, khắc phục không để kéo dài.

– Việc sửa chữa định kỳ tùy theo tính chất quan trọng của hộ sử dụng điện mà có thể điều chỉnh cho phù hợp. Kế hoạch sửa chữa định kỳ phải được lập và cấp quản lý cho phép.

– Việc sửa chữa MBA chỉ thực hiện khi đã tách máy biến áp ra khỏi nguồn điện theo quy trình vận hành.

2.1. Tiểu tu định kỳ:

Thời gian: Mỗi năm một lần.

Nội dung công việc:

Vệ sinh sạch bên ngoài máy, lau chùi, bảo dưỡng các bộ cánh tản nhiệt. Kiểm tra xiết chặt các bu lông đai ốc, các bộ phận nếu bị lới lỏng.

Kiểm tra tình trạng các phụ kiện của máy: các van, các gioăng đệm, các sứ cách điện, sự làm việc của bộ điều chỉnh điện áp không tải, các tủ điện điều khiển của máy, nếu có hư hỏng phải xử lý ngay.

Kiểm tra sự làm việc chính xác của các thiết bị đo lường, bảo vệ của máy: van an toàn, rơ le ga, rơ le dòng dầu, chỉ thị nhiệt độ dầu và cuộn dây, chỉ thị mức dầu, biến dòng chân sứ…

Lấy mẫu dầu trong máy để thử nghiệm các chỉ tiêu lý hóa.

Bổ sung, lọc lại hoặc thay thế tùy theo kết quả sau khi thử nghiệm.

Kiểm tra thử nghiệm MBA sau sửa chữa.

2.2. Đại tu định kỳ:

Thời gian: tùy theo kết quả thí nghiệm và tình trạng máy, thông thường đại tu lần đầu 10-12 năm, sau đó giảm dần.

Việc đại tu định kỳ phải được chuẩn bị kỹ, do cán bộ, kỹ sư và công nhân kỹ thuật có kinh nghiệm chuyên môn thực hiện.

Nội dung công việc:

Kiểm tra thử nghiệm và ghi chép các số liệu kỹ thuật cơ bản của máy trước khi sửa chữa.

Xem xét hồ sơ vận hành và tình trạng cụ thể của máy để xác định các hư hỏng, khiếm khuyết hiện có.

Tháo rút dầu khỏi máy.

Tháo các bộ phận chi tiết lắp kèm: hệ thống làm mát, bình dầu phụ, hệ thống đường ống, hệ thống điện điều khiển có liên quan, các sứ cách điện…

Kiểm tra xem xét toàn bộ phần ruột máy: kiểm tra bắt xiết các bulông đai ốc định vị kẹp chặt, kiểm tra xem xét tình trạng các bối dây, các đầu dây xem có bị xê dịch, màu sắc các vật liệu cách điện…

Khắc phục các khiếm khuyết nếu có.

Kiểm tra tình trạng làm việc của bộ diều chỉnh điện áp không tải nếu có hư hỏng phải được sửa chữa.

Dùng dầu cách điện sạch vệ sinh các vị trí đọng bẩn.

Vệ sinh sạch sẽ và kiểm sửa chữa các hư hỏng của tất cả các phụ kiện nếu có.

Kiểm tra, sửa chữa, hiệu chỉnh các thiết bị đo lường, điều khiển và bảo vệ (lưu ý các thiết bị đo lường, bảo vệ liên quan đế máy như máy ngắt, dao cách ly, cáp đấu nối,… cũng phải được kiểm tra bảo dưỡng đồng bộ).

Lọc lại dầu cách điện (nếu các chỉ tiêu chất lượng vẫn không đạt phải thay dầu mới)

Thực hiện sấy ruột máy.

Lắp ráp toàn bộ máy, bơm dầu theo quy trình.

Kiểm tra thử nghiệm theo theo tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng với các MBA sau sửa chữa. Các số liệu thử nghiệm được lưu vào hồ sơ máy.

Xem xét kết luận, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép đóng điện đưa máy vào vận hành theo quy trình hiện hành.

3. BÀI VIẾT THAM KHẢO:

Quy trình bảo dưỡng máy biến áp

Quy trình sửa chữa máy biến áp

Quy trình vận hành máy biến áp

Quy trình vận chuyển máy biến áp.


popup

Số lượng:

Tổng tiền: